Đêm nhạc Phú Quang – Hà Nội ngày trở về: Hai đêm nhạc của hồi ức và sự thăng hoa

15/06/2025
Thăng Long Show
Ảnh

Một lời hẹn trở về với âm nhạc Phú Quang 

Hà Nội vào những ngày đầu tháng Sáu mang một vẻ dịu dàng, bình lặng khác thường như thể chính thành phố cũng đang lắng lại, chờ đợi một điều gì đó rất đỗi quen thuộc mà cũng thật thiêng liêng. Trong hai đêm 6 và 7/6/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, những tâm hồn yêu nhạc đã thực sự “trở về” trong không gian đong đầy xúc cảm của chương trình nghệ thuật đặc biệt: “Đêm nhạc Phú Quang – Hà Nội ngày trở về”.

Hai đêm nhạc là một hành trình xuyên qua thời gian, đưa khán giả ngược dòng ký ức, về với những bản tình ca nhuốm màu Hà Nội xưa, những bản nhạc mà chỉ cần một giai điệu cất lên, là đủ làm sống dậy cả một thời thanh xuân. Đó không chỉ là cuộc hội ngộ giữa nghệ sĩ và công chúng, mà còn là cuộc tái ngộ giữa tâm hồn và ký ức, giữa thành phố và những nỗi niềm chưa từng nguôi ngoai.

Những đêm nhạc sắp tới của Thanglongshow

Kỳ công từ hậu trường – Cống hiến thầm lặng làm nên thành tựu rực rỡ

Để tạo nên không gian âm nhạc đầy chất thơ ấy, ekip sản xuất chương trình đã dành hàng tháng trời chuẩn bị, từ việc thiết kế sân khấu, concept đêm nhạc, lên danh sách tiết mục đến phối khí từng bản nhạc. Mỗi công đoạn đều được thực hiện với sự trân trọng tuyệt đối dành cho âm nhạc của cố nhạc sĩ Phú Quang – người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim người yêu nhạc suốt nhiều thập kỷ qua.

Âm nhạc của Phú Quang không chỉ là những giai điệu, mà là linh hồn của một nghệ sĩ vĩ đại, vượt qua mọi giới hạn thời gian, là những vết khắc sâu vào trái tim mỗi người. Những khúc ca của ông vẽ lên một Hà Nội đầy hoài niệm, nơi ký ức không bao giờ phai mờ, nơi mà mỗi nốt nhạc là một tiếng thì thầm của quá khứ. Chính vì vậy, khi Thăng Long Show và Long Hải Promotion hợp tác tổ chức “Đêm nhạc Phú Quang – Hà Nội ngày trở về”, chúng tôi đã quyết định giữ trọn vẹn tinh thần của Phú Quang, không thay đổi, không làm mới, mà chỉ đơn giản để những ca từ, những khúc nhạc ấy sống dậy, lắng sâu vào trái tim người nghe, đưa họ trở về với những ký ức xưa cũ, những cảm xúc bất diệt mà âm nhạc của ông đã khắc ghi trong lòng mỗi chúng ta.

Đặc biệt, Thăng Long Show đã trân trọng mời Giáng Hương, con gái của cố nhạc sĩ Phú Quang, trong vai trò cố vấn nội dung và biên tập. Với tình yêu và sự thấu hiểu sâu sắc về âm nhạc của cha, chị sẽ không chỉ bảo vệ tinh thần âm nhạc của Phú Quang, mà còn giúp đêm nhạc khai thác những mảnh chuyện chưa kể về hành trình âm nhạc và cuộc đời đầy ý nghĩa của ông. Những câu chuyện về người nghệ sĩ, về những thăng trầm trong cuộc sống, sẽ được kể lại qua từng giai điệu, tạo nên một không gian đầy chiều sâu, nơi âm nhạc và cuộc đời của Phú Quang hòa quyện vào nhau, mang đến cho khán giả một trải nghiệm không thể nào quên.

Sân khấu Nhà hát Lớn không biến thành sàn diễn cầu kỳ, mà trở thành một không gian giàu tính biểu cảm với ánh sáng dịu nhẹ, gam màu cổ điển và âm thanh mượt mà, nơi từng nốt nhạc như có chỗ đứng riêng, từng tiếng đàn như được chăm chút bằng tình yêu.

Chính sự chỉn chu đến từng chi tiết ấy đã giúp các nghệ sĩ thăng hoa và khán giả được đắm mình trọn vẹn trong thế giới âm nhạc – một thế giới nơi cái đẹp được tôn trọng tuyệt đối.

Ba giọng ca, ba linh hồn – cùng kể một câu chuyện Hà Nội

Nếu âm nhạc là chiếc cầu nối giữa ký ức và hiện tại, thì ba giọng ca chính trong đêm nhạc là những “người kể chuyện” vừa gần gũi, vừa phi thường.

Tùng Dương mang đến năng lượng khác biệt, mạnh mẽ nhưng sâu sắc. Với “Hà Nội ngày trở về”, “Em ơi, Hà Nội phố” hay “Biển, nỗi nhớ và em”,... anh không chỉ hát bằng kỹ thuật, mà hát bằng tâm linh, bằng trải nghiệm cá nhân và sự hoài niệm lặng thầm. Mỗi tiết mục của Tùng Dương như một cơn bão cảm xúc – dữ dội nhưng không hề xô lệch.

Thanh Lam, với giọng hát nồng nàn, nội lực và giàu nữ tính, thể hiện “Đâu phải mùa thu”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Nỗi nhớ”,... như những lời tâm tình da diết. Không gian chợt như ngưng đọng khi chị ngân lên những giai điệu về mùa đông, về phố cũ, về những cuộc tình dở dang. Giọng hát ấy chạm đến tận cùng nỗi nhớ, gợi cảm giác ấm áp và cô đơn đồng thời.

Ngọc Anh, dịu dàng mà không kém phần sắc sảo, là điểm tựa cảm xúc trong những bản ballad thấm đẫm tâm sự. Với “Lang thang”, “Romance 2”, “Mẹ ơi”,... chị như một nhành hoa cũ bung nở trong lòng khán giả – dịu êm, thanh khiết và da diết một cách lặng lẽ. Điểm nhấn trong tiết mục của ca sĩ Ngọc Anh có lẽ là “Bâng quơ” - giọng hát gây thương nhớ của cố nhạc sĩ Phú Quang vang lên khiến chị lặng người trong cánh gà và bộc phát cảm xúc khi cất giọng hoà cùng với sự da diết của người tri kỉ, người thầy dẫn dắt Ngọc Anh thuở mới bắt đầu hoạt động nghệ thuật. Hay những giọt nước mắt của cả chị và Pianist Anh Tuấn khiến cả khán phòng lặng đi, tất cả cùng hoà vào một cảm xúc bùng nổ, tiếc thương, da diết, đưa người nghe đi qua những buổi chiều chậm trôi, nơi Hà Nội hiện lên như một ký ức đẹp đã lùi xa

Tùng Dương – Nỗi cô đơn kiêu hãnh giữa những bản tình ca

Có những giọng ca không cần lời giới thiệu. Chỉ cần một câu hát cất lên, khán phòng lập tức im phăng phắc. Với Tùng Dương, đó không còn là chuyện "biểu diễn", mà là sự hóa thân, là hành trình cùng khán giả bước vào một thế giới nội tâm đầy tầng sâu.

Trong hai đêm nhạc Phú Quang – Hà Nội ngày trở về, Tùng Dương không chỉ biểu diễn, anh mang theo ký ức, chiêm nghiệm, và cả những khoảng trống của thời gian. Anh đã chọn một cách xuất hiện khác lạ. Anh không đứng trên sân khấu, mà anh bước vào khán đài phía sau hàng ghế khán giả để cất cao tiếng hát, khiến mọi người vỡ oà vì ngạc nhiên. “Hà Nội ngày trở về” – bài hát vốn đã trở thành biểu tượng qua giọng hát Tùng Dương ở phần mở đầu như một tấm thảm nhẹ nhàng trải ra cho toàn bộ đêm diễn. Anh ngân nga như một lời kể của người đi xa vừa đặt chân về nơi chốn cũ, đưa người nghe trở lại một Hà Nội thân quen nhưng cũng nhiều khắc khoải, nơi có những chờ đợi, những giấc mơ dang dở còn in bóng trong chiều muộn.

Tiếp nối bằng "Nỗi nhớ mùa đông" và "Em ơi, Hà Nội phố", Tùng Dương dường như không chỉ hát mà đang kể chuyện bằng hơi thở rất riêng. Không có sự phô diễn, không cần cao trào, mà chỉ là điểm nhấn đầy suy tư trong từng chữ. Mỗi câu hát như được nâng niu, cách hát có khoảng lặng, thả vào từng chữ một nỗi khắc khoải. Không phải là nỗi nhớ rền vang, mà là thứ nỗi nhớ âm ỉ, kéo dài – giống như những ngày Hà Nội trở lạnh bất chợt, như thể anh đang bước đi chậm rãi giữa một Hà Nội cũ, nơi ký ức rơi xuống nhẹ như sương.

Màn song ca “Về lại phố xưa - Lãng đãng chiều đông Hà Nội” với Ngọc Anh là một bất ngờ dịu dàng. Không ai lấn át ai, không ai cố gắng tỏa sáng, chỉ có hai giọng hát như đan vào nhau, nhẹ nhàng, gần gũi, đầy tình tự. Dù vậy, Tùng Dương vẫn giữ được cá tính âm nhạc đặc trưng: thổ lộ cảm xúc nhưng tiết chế, anh giữ kín trong nội tâm chứ không biểu lộ phô trương.

Một trong những khoảnh khắc khiến sân khấu như chùng lại, là khi anh thể hiện "Mẹ" – ca khúc từng gắn liền với tên tuổi mình và cũng là một tác phẩm nhiều ám ảnh của nhạc sĩ Phú Quang. Khán giả không cần vỗ tay, không cần thốt lên xúc động, cả hội trường chìm trong im lặng. Nhiều ánh mắt dõi theo không rời, thấp thoáng những giọt nước mắt rơi rất khẽ.

Tiết mục ngẫu hứng“Biển, nỗi nhớ và em” anh đã xuống khán đài giao lưu với khán giả và “Khúc mùa thu” lại là thử thách khác. “Phải nhớ rằng khi hát cần phân tích cảm xúc, sắc thái vốn có của ca khúc. Bài nào cần biểu diễn 38 độ thì phải hạ nhiệt, bài nào cần “hừng hực” thì phải lên 40 độ ????”. Phần song ca “Giọt nước mắt đầu tiên” với Thanh Lam là một cuộc gặp gỡ của hai cá tính tưởng như dữ dội, nhưng lại hòa hợp nhờ sự nhún nhường. Họ cùng hát, cùng nhấn nhá, mỗi tiết mục là một tầng sâu mới. Tùng Dương như liên tục đổi vai để mở rộng biên độ cảm xúc cho người nghe. Anh hát bằng tất cả những gì đã sống, đã yêu, đã đau, đã hiểu.

Tùng Dương không hát để gây ấn tượng, mà để gợi nhớ. Không để cao trào, mà để khơi sâu. Và chính điều đó khiến hai đêm nhạc có những khoảnh khắc không thể sao chép – khi khán giả ngồi dưới lặng lẽ cảm nhận, họ lấp lánh ánh nước trong đáy mắt, hay vỗ tay hoan hô khi họ cảm nhận bản thân như được trở về…

Ngọc Anh – Sự tinh tế của những điều đã cũ nhưng chưa bao giờ lạc quên

Từ những ca khúc mở đầu “Lãng đãng chiều đông Hà Nội - Về lại phố xưa” song ca cùng Tùng Dương, hai giọng hát tưởng như đối lập lại tìm được điểm gặp nhau rất tự nhiên. Họ cùng đi qua từng khúc phố trong trí nhớ, cùng kể một câu chuyện quen mà vẫn khiến người nghe muốn dừng lại nghe thêm. Từng nốt nhạc, giai điệu giống như một lời dẫn nhẹ nhàng đưa khán giả bước vào không gian mang hơi thở của Hà Nội – cũ kỹ, thanh thoát, thấm đẫm vẻ trầm mặc. Ngọc Anh không gồng giọng, chị chỉ hát bằng một cách rất tự nhiên, để người nghe tìm thấy mình trong từng con phố, từng khoảng lặng của mùa đông.

Đến ca khúc “Lang thang”, Ngọc Anh đã giữ không khí của đêm diễn trong một khoảng lặng rất riêng. Không tô vẽ, không cường điệu mà giọng hát của chị như làn sương mỏng phủ lên từng con phố cũ, từng khoảng trời quen. Người nghe không hẳn rưng rưng, nhưng cảm xúc của họ chậm dần và như ngưng đọng lại.

Trước đó, một khoảnh khắc lặng người đã diễn ra trên sân khấu…

Bản thu giọng hát “Bâng quơ” vang lên – là giọng của chính cố nhạc sĩ Phú Quang, như một lời thì thầm từ quá khứ vọng về. Ánh sáng dịu lại, và màn chiếu sau lưng Ngọc Anh bắt đầu hiện lên những hình ảnh hiếm quý về ông: lúc đang miệt mài sáng tác, khi chỉ huy dàn nhạc, hay lúc trầm tư suy nghĩ về giai điệu mới…

Ngọc Anh đứng lặng nhìn về những hình ảnh đó, dành trọn ánh mắt cho người nhạc sĩ đã viết nên cả một Hà Nội bằng âm nhạc. Có lẽ trong khoảnh khắc ấy, chị không còn là ca sĩ Ngọc Anh của sân khấu lớn, mà là một người học trò nhỏ, một người bạn đồng hành đang ngắm nhìn thầy mình bằng sự trìu mến, biết ơn và không kìm được xúc động.

Và rồi Ngọc Anh cất tiếng hát “Một dại khờ, một tôi” – không phô diễn, không nức nở, mà đầy ắp những nỗi niềm chỉ có thể hiểu bằng trái tim. Một sự nối tiếp tự nhiên giữa người viết và người thể hiện, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nỗi nhớ và sự sống tiếp của âm nhạc.

Sự giản dị ấy kéo dài sang chuỗi ca khúc “Chuyện bình thường số 7”, “Gửi một tình yêu”, “Romance 1”, “Romance 2” – những ca khúc có tiết tấu vừa phải nhưng lại đòi hỏi chiều sâu cảm xúc, có lẽ đó chính là mạch ngầm chảy xuyên suốt chương trình. Ngọc Anh không đẩy lên cao trào, chị để từng câu hát trôi tự nhiên như chính đời sống: có hoang mang, có mong manh, có cả sự cam chịu lặng lẽ.

Rồi tới một khoảnh khắc khó quên nhất của đêm nhạc Phú Quang – “Chiều không em”. Không vũ đoàn, không ánh sáng rực rỡ, chỉ còn lại tiếng piano của Pianist Anh Tuấn và giọng hát của Ngọc Anh. Khi bài hát đi đến đoạn cao trào, cả hai nghệ sĩ không giấu được cảm xúc. Cả khán đài im lặng, chỉ vang lên tiếng hát run nhẹ của người ca sĩ và tiếng đàn đôi khi ngắt quãng, bởi họ đã rơi nước mắt. Người nhạc công ôm trọn cây đàn như đang ôm lấy một mảnh ký ức, còn Ngọc Anh – chị khẽ cúi đầu giữa bài hát, như thể đang tiễn một điều gì đó đã vĩnh viễn rời đi.

Đỉnh điểm cảm xúc không đến từ tiếng hát, mà đến ở chính khoảnh khắc Ngọc Anh bước ra sân khấu, nhẹ nhàng cầm trong tay một bức thư cũ – là thư của nhạc sĩ Phú Quang. Chị không đọc như thể đang “diễn”. Mà như đang thì thầm lại cho chính mình và những người còn thương nhớ ông. Mỗi dòng thư là một nốt nhạc, một khoảng lặng. Người nghệ sĩ ấy không còn nữa, nhưng tiếng nói của ông vẫn ở lại qua giọng đọc của Ngọc Anh. Trọn vẹn, lặng lẽ và sâu sắc như chính âm nhạc ông để lại cho đời.

Thanh Lam – Ngọn lửa dịu dàng thắp sáng ký ức

Chị chào sân khấu với nhạc phẩm “Đâu phải bởi mùa thu”. Không ồn ào và dữ dội, ta thấy một Thanh Lam rất lạ, sâu thẳm và dịu dàng. Tiếng ca trầm lắng đưa tâm hồn người nghe tìm về những con phố cũ Hà Nội, về với những kí ức xa vời đã lâu không còn chạm tới.

Đến “Im lặng đêm Hà Nội”, dưới ánh đèn sân khấu, cả khán phòng như chìm vào trong màn đêm tĩnh mịch. Thứ duy nhất vang lên lúc này chỉ có giọng ca như tiếng thì thầm với bóng đêm, với Hà Nội, với chính nỗi cô đơn của người nghệ sĩ.

“Nỗi nhớ” – một bản tình ca không thể thiếu trong di sản của nhạc sĩ tài hoa Phú Quang. Nhưng nỗi nhớ của Thanh Lam không dịu dàng, không êm đềm, mà là nỗi nhớ khát khao, cháy bỏng, rạo rực. Không còn là một xúc cảm riêng lẻ, nỗi nhớ đã trở thành hiện thân cho khát khao, cho chia xa, cho cả những điều chẳng thể níu giữ trong đời. Lúc này, người ta biết Thanh Lam đã chuẩn bị "cháy".

Và điều gì tới cũng phải tới. Đến bài “Rock buồn”, Thanh Lam được trở lại là chính mình, một bản sắc mạnh mẽ, nội lực đã ghi dấu trong lòng khán giả trong suốt sự nghiệp âm nhạc của chị. Thanh Lam vẫn là Thanh Lam, chỉ là với mỗi ca khúc khác nhau, chị sẽ tự biến hoá để phù hợp với tinh thần bài hát. Và khi nhạc rock vang lên, những người yêu và am hiểu về âm nhạc đã biết mình sẽ bị đốt cháy trong ngọn lửa của nữ danh ca.

Đỉnh cao cảm xúc đến khi Thanh Lam song ca cùng Tùng Dương trong “Giọt nước mắt đầu tiên”. Hai chất giọng sâu lắng, nội lực bậc nhất cùng thể hiện một bản ballad buồn. Đó không chỉ là một bài hát, mà là cuộc gặp gỡ của hai tâm hồn nghệ thuật, nơi giọt nước mắt đầu tiên cũng là giọt nước mắt cuối cùng – vỡ òa, chân thành, và không thể quên.

Và khi chương trình khép lại bằng bản Mashup “Điều giản dị – Mơ về nơi xa lắm – Hà Nội ngày trở về”, với sự kết hợp của cả 3 nghệ sĩ Ngọc Anh – Thanh Lam – Tùng Dương, người ta như được dẫn dắt đi qua một hành trình dài: từ những điều nhỏ bé, đến những giấc mơ xa xôi, rồi trở về chính nơi đã bắt đầu - Hà Nội. Một màn kết raat đẹp, chạm vào trái tim người nghe, để lại dư âm vang mãi trong lòng khán giả.

Tri ân và tạm biệt – Một hành trình chưa kết thúc

“Phú Quang – Hà Nội ngày trở về” không kết thúc khi ánh đèn sân khấu tắt. Bởi âm nhạc ấy, tình yêu ấy và những xúc cảm ấy đã chảy vào tim mỗi người, ở lại như một phần ký ức đẹp đẽ không thể lãng quên.

Chương trình không chỉ là sự tưởng nhớ một người nhạc sĩ lớn, mà còn là lời khẳng định giá trị của âm nhạc tử tế, âm nhạc có linh hồn – thứ âm nhạc mà càng lắng nghe, ta càng thấy mình trở nên sâu sắc và nhân hậu hơn.

Xin được gửi lời tri ân đến toàn thể khán giả – những người đã lặng lẽ đến, chăm chú lắng nghe, rơi nước mắt, nở nụ cười và giữ gìn những bản tình ca như một phần của riêng mình. Mỗi tấm vé được trao đi là một cái nắm tay thầm lặng giữa nghệ sĩ và khán giả. Là minh chứng rằng tình yêu của công chúng yêu âm nhạc dành cho nhạc sĩ Phú Quang và các nghệ sĩ, ban nhạc,.. chưa từng lặng im. Cảm ơn quý vị đã chờ đợi, đồng thời giữ lại một khoảng lặng rất đẹp trong đời để dành cho âm nhạc của ông.

“Hà Nội ngày trở về” không chỉ là tên của một đêm nhạc. Đó là một lời mời, một cuộc hội ngộ – giữa người với người, giữa ký ức và hiện tại, giữa tình yêu, âm nhạc và những điều sâu thẳm trong tim mỗi khán giả. Và nếu như “ngày trở về” chỉ là một khoảnh khắc, thì tình yêu dành cho âm nhạc Phú Quang sẽ là hành trình dài – hành trình mà mỗi chúng ta đều đang mang trong tim, và sẽ còn ngân lên mãi

Đừng quên theo dõi và đặt vé đêm nhạc tuyệt vời khác của Thanglongshow tại đây!

 

Bài viết nổi bật

post
PHÚ QUANG – NGƯỜI NGHỆ SĨ LANG THANG HOÀI TRÊN PHỐ
post
TÌNH CA CHO EM – Đêm nhạc của những tâm hồn yêu và đã từng yêu
post
Đêm nhạc ngày lễ tình nhân 14/2: YÊU EM
post
Nhật ký Love Story 4: Hành trình yêu thương trở lại – Vì một Hạ Long mạnh mẽ hơn
post
Nhật ký Love Story 5: Giai Điệu Yêu Giữa Lòng Thành Vinh

Tư vấn và hỗ trợ đặt vé

Nếu cần hỗ trợ đặt vé đêm nhạc - tư vấn tổ chức sự kiện. Bạn vui lòng để lại thông tin để Thanglongshow chúng tôi
có thể liên lạc hỗ trợ bạn trong thời gian sớm nhất.

Hãy để chúng tôi <span>đồng hành cùng bạn</span>
Hoặc liên hệ chúng tôi qua
icon
Chat qua messenger
icon
Liên hệ Zalo